Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

XIN NGƯỜI GHÉ LẠI... và lời bình của Phạm Trung Kiên


Em có về, xin ghé lại nhà anh,
Thăm mái lá vẫn đêm ngày chờ đợi.
Mẹ viết thư hỏi anh: Sao lâu rồi em không tới,
Lần đầu tiên anh dối Mẹ, rằng: em bận việc gia đình.

Em có về, hãy mặc áo thư sinh.
Màu áo trắng như trong hình kỷ niệm
Mẹ sẽ nhận ra em với làn môi chúm chím,
Đôi mắt hay cười... và mái tóc dài bay.

Nhưng hãy vì anh, xin em dối Mẹ điều này
Điều mà anh đã nhận được, bằng tấm thiệp giữa chiều biên giới.
Mẹ chỉ biết, lâu rồi em không tới,
Vì em buồn trong chuyện vắng xa anh...

Hè năm này, công việc ở trường xong,
Em thu xếp và xin chồng ít bữa.
Sợ mai mốt, anh không về được nữa
Mẹ sẽ buồn, vì hai đứa vẫn còn xa.

Nếu có về, em hãy ghé qua,
Bảy ngày phép, anh nhờ em chút nhé,
Một buổi làm cơm rồi ta cùng ăn với Mẹ,
Cho Người vui trọn vẹn cuối cuộc đời.

Nhớ có về... xin ghé lại em ơi... 


Phan Hòa 

... VÀ LỜI BÌNH CỦA phamtrungkienhttp: 

Lạc vào vườn thơ của Phan Hòa, tôi như lạc vào cả miền ký ức thấm đẫm tình yêu và nước mắt. Anh đã có một tình yêu đẹp nhưng thật buồn bởi chiến tranh như một lưỡi dao khắc nghiệt đã lạnh lùng cắt nát đóa hoa tình yêu, chia lìa đôi lứa.
Cái ký ức đẹp nhưng đau đớn của phanhoacan được thể hiện trong rất nhiều bài thơ tình của anh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến bài XIN NGƯỜI GHÉ LẠI...
Cả bài thơ như một dòng chảy của những tâm trạng, cảm xúc của chàng trai với mong ước hết sức tha thiết, giản dị và chân thành : “Em có về, xin ghé lại nhà anh”.
Điều mong ước đơn giản thế nhưng với anh là tất cả bởi giờ đây anh và cô không còn đi chung một con đường, không cùng nhìn chung về một hướng nữa. Cô đã đi lấy chồng!
Câu thơ thứ hai đã nói hộ thêm anh về nỗi niềm của anh và nghịch lý của việc nôn nóng ấy:
"Thăm mái lá vẫn đêm ngày chờ đợi.” 
Nói “mái lá” nhưng là nói đến con người. Hình ảnh nhân hóa gợi lên tâm trạng đau đáu, thấp thỏm vì mong nhớ của người mẹ già. Mẹ mong nhìn thấy hình dáng của cô thôn nữ yêu kiều, hiền dịu mà mẹ đã coi là con dâu của mình.Trước đây cô thường lui tới thay anh chăm sóc mẹ, sao dạo này lâu rồi chẳng thấy cô đâu? Luôn mong ngóng, đợi chờ, xen chút thắc mắc, mẹ đã viết thư hỏi về cô gái.
Không muốn làm mẹ buồn, không muốn mẹ thất vọng, chàng trai đã phải nói dối mẹ, mặc dù truớc đây, anh chưa bao giờ biết nói dối: 


Mẹ viết thư hỏi anh: Sao lâu rồi em không tới,
Lần đầu tiên anh dối Mẹ, rằng: em bận việc gia đình.
 


Tứ thơ mở ra theo nhiều cảm xúc gợi nhắc đến những kỷ niệm của một thời hai đứa yêu nhau. Còn gì nữa đâu? Tất cả giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Hình ảnh của người con gái hiền diụ hiện ra với màu áo trằng tinh khôi thuở học trò, với mái tóc dài bay bay trong gió, đặc biệt với nụ cười chúm chím xinh tươi thật gợi cảm biết bao. Hình ảnh ấy làm sống dậy trong lòng chàng trai những kỷ niệm đẹp về hương vị ngọt ngào, ngây thơ, trong trắng của mối tình đầu:

Em có về, hãy mặc áo thư sinh.
Màu áo trắng như trong hình kỷ niệm
Mẹ sẽ nhận ra em với làn môi chúm chím,
Đôi mắt hay cười... và mái tóc dài bay. 


Nhưng đây không phải là lúc anh nhớ về cô để tận hưởng cảm giác êm đềm, lãng mạn của tình yêu mà là để cầu xin cô giúp anh một điều. Anh xin cô hãy vì anh mà một lần nói dối Mẹ. Mẹ vẫn chưa biết là cô đã đi lấy chồng. Chưa biết người con dâu mình từng mong đợi giờ đã là con người ta. Chưa biết đứa con trai phương xa của mình đã mất đi mối tình đầu tha thiết nhất. Nếu biết được điều ấy, trái tim người mẹ sẽ đau đớn chừng nào?Mẹ có chịu đựng nổi không?
Thương mẹ, anh nài nỉ cô:


Nhưng hãy vì anh, xin em dối Mẹ điều này
Điều mà anh đã nhận được, bằng tấm thiệp giữa chiều biên giới.
Mẹ chỉ biết, lâu rồi em không tới,
Vì em buồn trong chuyện vắng xa anh.


Hình ảnh tấm thiệp cưới hiện lên có một cái gì đó thật bất nhẫn. Thiệp hồng tượng trưng cho niềm vui, cho hạnh phúc. Nhưng tấm thiệp mà người lính nhận được trong một chiều ở biên giới là tấm thiệp của đau thương, mất mát, ly tan. Chắc hẳn khi nhận được tấm thiệp ấy, anh đã chết lặng người đi trong tâm trạng đau đớn đến tột cùng. Nhưng anh đã nuốt lệ vào lòng, đã nén chặt nỗi đau thương mất mát vào tim, đã dấu đi sự thật bẽ bàng để người mẹ già của mình không phải buồn đau.
Ta hãy nghe anh nói tiếp: 


Hè năm này, công việc ở trường xong,
Em thu xếp và xin chồng ít bữa.
Sợ mai mốt, anh không về được nữa
Mẹ sẽ buồn, vì hai đứa vẫn còn xa. 


Ôi! Điều mong ước của anh giản dị mà sao tha thiết quá! Anh mong mỏi khi mùa hè tới, khi em đã xong công việc ở trường và thu xếp chuyện gia đình (kể cả chuyện xin phép chông), em hãy dành thời gian để ghé thăm mẹ anh, để mẹ không nên biết những gì phũ phàng đã xảy đến.
Khi cô gái đã có chồng, xin phép chồng về thăm gia đình người yêu cũ có lẽ là hơi khó. Nhưng có khó gì đâu khi anh đã nói ra lý do rất thực tế : “Sợ mai mốt, anh không về được nữa”. Hình như có cái gì đó vừa vỡ ra trong anh. Hình như anh lo sợ có thể anh sẽ không còn dịp nào gặp lại cô gái được nữa, không gặp được mẹ nữa. Bởi bất kỳ lúc nào anh cũng có thể ngã xuống bằng một viên đạn của kẻ thù. Như vậy mẹ sẽ rất buồn vì chưa được nhìn lại cảnh con trai hạnh phúc nên người mình yêu. Tấm lòng của anh dành cho mẹ mới chân thành, sâu sắc biết bao nhiêu. Tình cảm ấy sâu đậm đến nỗi khi đọc xong câu thơ rồi, dư âm của nó còn lắng đọng mãi trong lòng người đọc khiến ta cảm thấy nhói buốt ở trong tim.
Thấp thoáng đâu đây câu ca dao của dân gian: 

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con 

Tấm lòng của anh là thế. Dù ở cách xa mẹ nhưng suy nghĩ của anh lúc nào cũng thường trực ở bên mẹ. Vì trách nhiệm của người trai thời chiến, anh cầm súng lên đường giết giặc để bảo vệ quê hương, nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy thương mẹ và ray rứt vì mình đã không ở gần để giúp đỡ mẹ, an ủi mẹ trong lúc mẹ tuổi già xế bóng.
Khổ thơ cuối nói tiếp lên mong ước của anh: 


Nếu có về, em hãy ghé qua,
Bảy ngày phép, anh nhờ em chút nhé,
Một buổi làm cơm rồi ta cùng ăn với Mẹ,
Cho Người vui trọn vẹn cuối cuộc đời. 


Anh nhờ cô gái nếu ghé qua thì cứ làm như không có chuyện gì cả. Đôi trai gái sẽ vẫn nói cười vui vẻ, vẫn cùng nhau vào bếp nấu cơm như những lần nào. Rồi cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm, cùng ăn với nhau một bữa cơm giản dị nhưng vô cùng vui vẻ, ấm cúng, êm đềm. Và như thế, ở chặng đường cuối của cuộc đời, người mẹ được sống trong niềm vui, trong hạnh phúc. Cái hình ảnh gia đình đầm ấm ấy làm bừng lên ngọn lửa yêu thương luôn chất chứa trong trái tim người mẹ.
Đọc khổ thơ này, mắt tôi tự nhiên cứ cay cay. Dù tôi là một người đàn ông trải đời và cũng có nhiếu cay đắng. Nhưng sao đọc lời thơ của Phanhoacan, lòng tôi bỗng chùng xuống và trái tim cứ nhói đau. 


Nhớ có về... xin ghé lại em ơi... 

Câu thơ cuối không chỉ là " nhờ" đơn thuần mà thực sự là một lời van xin. Lời van xin này tha thiết quá. Nó như một điệp khúc nhắc lại điều mong ước và cũng là nỗi niềm cháy bỏng của chàng trai. Nếu là việc của bản thân anh thì chắc có lẽ không bao giờ anh cất lời nài nỉ van xin đến khắc khoải như vậy. Nhưng vì Mẹ, anh đã làm tất cả. Lời anh nói với người yêu cũ thật nhẹ nhàng, đằm thắm mà sao nó cứ làm ta xa xót, nao nao…
Cả bài thơ là một lời khẩn cầu vang lên tha thiết đến cháy lòng. Trước lời khẩn cầu như vậy, chắc hẳn cô gái sẽ không lòng nào nỡ chối từ. Và tôi tin, dù có khó tính đến đâu thì khi biết được tâm trạng của chàng trai, chồng cô gái vẫn sẽ sẵn lòng để cô làm giúp cái việc mà người yêu cũ của cô gái đã nhờ.
Bài thơ như một bản tình ca thật buồn nhưng đẹp. Dù nó có làm ta đau đớn vì sự thật quá phũ phàng thì đống thời nó cũng làm ta cảm thấy ấm lòng vì yêu quý, vì ngường mộ tấm chân tình sâu nặng của một người con dành cho mẹ mình. Không những thế, qua bài thơ, ta còn thấy được tình yêu của người lính thật là đẹp. Anh đã yêu bằng cả trái tim mình, yêu bằng mối tình đầu của mình. Cô gái với anh là tất cả. Thế nhưng ngay cả khi cô không chờ đợi anh mà bỏ đi lấy chồng, anh vẫn không hề oán giận cô. Anh vẫn dành cho cô những tình cảm chân tình, nồng ấm, bao dung. Không lấy được nhau, anh coi cô như người bạn, người em gái. Tình cảm của anh, ngôi nhà của anh vẫn sẵn lòng mở rộng chào đón cô bất cứ lúc nào với tư cách là một người thân trở về thăm lại nhà mình.
Bài thơ không chỉ cho chúng ta cảm nhận được một câu chuyện rất bình thường nhưng cảm động thời chinh chiến mà qua đó nó còn khắc họa chân dung thật đẹp về nguời lính Cụ Hồ. Với Tổ Quốc, anh là người lính dũng cảm,trung kiên. Với mẹ già, anh là đứa con hiếu thảo, ngoan hiền. Với người yêu, anh là chàng trai nồng nàn, nhân từ, rộng lượng, bao dung…
Con đường đến với trái tim là đi từ trái tim. Thơ Phanhoacan đã nói dùm chúng ta điều ấy và đã để lại trong ta những dư vị thật khó phôi pha.
Phan hòa! Cám ơn bạn đã đem đến cho độc giả một bài thơ hay và thấm đẫm tình người! 


16-11-2010
phamtrungkien
 


Hoa này phamtrungkien xin trân trọng tặng phanhoacan - một thi sĩ người lính mà tôi hân hạnh gặp được trong vnthidan và đồng cảm với thơ anh . 

Nguồn: http://vi.netlog.com/go/out/url=http%3A%2F%2Fwww.vnthidan.net%2Fxin-nguoi-ghe-lai-mot-bai-tho-lam-lay-dong-long-nguoi-t3321.html

5 nhận xét:

  1. Bài thơ mình thấy rất sắc , tình tiết thật đơn giản nhưng xoáy và lòng người, , một tình yêu thánh thiện với người yêu không thành , một người con hiếu thảo thương Mẹ ,bài thơ này mình đã đọc trong Blog yahoo của bạn rồi và không nhớ nhầm thì có bình luận nữa, nhưng hôm nay đọc lại vẫn thấy tôn thờ tình yêu như lời thơ của bạn , chúc bạn thật may mắn trên bước đường tương lai nhé - thân mến

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, cảm ơn PV. mình đang chuyển dần bài từ yahoo blog qua đây. Nhưng vì CV bận quá nên cũng ít có thời gian vào mạng
      Có lẽ qua Tết mình sẽ rảnh rổi nhiều hơn
      Chúc bạn chuẩn bị đón một mùa xuân mới ngập tràn HP nhé!
      Thân

      Xóa
  2. Bài thơ này em đã đọc rất nhiều lần . Rất hay rất ý nghĩa nga tình ở đây rất đẹp . Một năm mới nhiều may mắn nha anh .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi... em đọc ở đâu, anh mới dọn nhà từ yahoo qua đó, chắc trước đây em cũng ở đó hả? tên nick là gì nhỉ?

      Xóa