Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

VIẾNG MỘ HÀN MẶC TỬ



Vô tình ghé lại vườn khuya 
Thôi miên trước tấm mộ bia khấn thầm 
Tâm tư lạc cõi thinh âm 
Tưởng nghe bên dốc Mộng Cầm khóc thơ ...!

Rồi mai nhân ảnh phai mờ 
Vẫn còn vọng Nguyệt bên bờ sông Trăng 
Hàn ơi, có nhớ hay chăng? 
Những đêm giông gió Chị Hằng về đây 

Gối tay lên giấc mơ này 
Mà nghe hương tóc xõa mây lưng trời 
Tình thơ rúng động lòng người 
Biết đâu ta cũng rã rời cùng trăng...! 

Phan Hòa


Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

VỊNH CÁI THƠ CUỐI NĂM...


Ta đưa tay lật tờ lịch mới 
Nhẹ nhàng thôi đau lắm một đời người 
Nhớ hôm nào còn bỏ học rong chơi 
Mẹ chỉ nhịp chiếc roi vào mông quần... bật khóc… 

Thấm thoát đã hơn nữa đường lăn lóc 
Từ khói súng đạn bom, nguyên vẹn trở về 
Những tưởng rằng đời sẽ đẹp như mơ 
Sao lại viết những lời thơ quằn quại. 

Ở ngoài kia vẫn muôn vàn êm ái 
Nhộn nhịp cười vui, môi mĩn nụ hồng 
Người hẹn người: chờ đợi ngóng trông 
Bạn gặp bạn: say lòng cởi mở. 

Ta vẫn thế, hơn nữa đời vẫn thế! 
Không biết cúi mình nên xếp bảo về thôi 
Không tham quan nên chẳng có ghế ngồi 
Hay nói thật, lỡ đụng người trên trước. 

Ừ, dẫu thế, nhưng biết làm sao được…? 
Chiếc roi xưa Mẹ nhịp dạy từng lời 
Sống trên đời đừng làm chuyện tanh hôi 
Nghèo một chút, nhưng nghèo mà cho sạch 

Thơm càng nhiều dẫu áo kia có rách 
Sống thẳng ngay là sống bởi nhiều người 
Nịnh hót đem về danh lợi bản thân thôi 
Điều Mẹ dặn... cái đánh còn đau sao chẳng nhớ? 

Cũng có lúc trong lòng ta lưỡng lợ 
Nghèo như mình sao đền đáp Mẹ Cha? 
Rồi tự trả lời cho câu hỏi đã đặt ra 
Sai lời dặn Mẹ Cha mới là đứa con bất hiểu. 

Lật tờ lịch lần này nhủ lòng ta phải hiểu 
Sang năm rồi cố bương chải làm ăn 
Cuộc khủng hoảng còn dài, kinh tế lại khó khăn 
Nhưng phải vượt... 
Vượt! vượt! vượt...! 
Như đã vượt sông Mê Kông để mang về chiến thắng…! 
Hehe... 

29/12/2012 
Phan Hòa

KHẼ GỌI NÀNG XUÂN

Nàng Xuân ơi hỡi! Hỡi nàng Xuân 
Hãy xuống chung vui với khách trần! 
Đất Việt nghìn năm văn hiến đỏ, 
Trời Nam vạn thuở núi sông xanh. 
Người xây hạnh phúc ngời tên tuổi 
Kẻ dựng cơ đồ rạng rỡ danh 
Tiên cảnh, trần gian giờ chỉ một 
Thiên đường - hạ giới đẹp như tranh. 

Phan Hòa


Thứ Tư, 16 tháng 1, 2013

HOA THẮM CHẲNG CÀI

Thơ: Phan Hòa, Phổ nhạc và trình bày: Cẫm Hà

Hoa thắm em cài trên tóc mây 
Lối xưa rời rạc bóng trăng gầy 
Chiều rơi tím biếc buồn hoang dại 
Vườn cũ phủ phàng hương cỏ may. 

Em đi má đỏ tươi màu phấn 
Nhốt nỗi hiu sầu trọ quán anh 
Ngớ ngẩn hồn say vừa rụng xuống 
Men tình từng giọt nhỏ mong manh. 

Thu chìm quạnh quẻ đáy hoàng hôn 
Ai giết trong anh mất nửa hồn 
Nửa hồn sống dở bao ngày nữa 
Để chẳng bao giờ biết lớn khôn. 

Hoa thắm chẳng cài lên tóc ai? 
Câu thơ trằn trọc những đêm dài 
Nhện giăng chằng chịt quanh đời mộng 
Tiếc thuở tươi hồng đã mốt mai 

Gởi thơ, gởi nắng, gởi hoa vàng 
Gởi cả linh hồn yêu dỡ dang 
Em hãy mang theo tà áo đỏ 
Ôm chiều thu quạnh bước sang ngang.



Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

BỨC THƯ TÌNH CỦA LÍNH

Em thân yêu!

Anh viết cho em giữa buổi trời chiều,
Màu nắng ngã dài trên những cành cây trơ trọi.
Tiểu đội anh,
Cái tiểu đội mà em vẫn thường nghe nói,
Rất anh hùng trên điểm chốt biên cương.
Có hai thằng đang bị trọng thương,
Và một đứa đã nằm lại dọc đường lên chốt.
Chúng anh đều đang ở tuổi đời hai mốt,
Thằng Hùng đất Quảng, Vị Xuyên
Thằng Nam cuối miền Thuận Hải,
Thằng Duy Quảng Ngãi,
Thằng Khải Tuy Hòa,
Và chiều nay một chiếc ba lô,
Của thằng Long sẽ được đưa về Đà Nẵng.
Khi còn sống nó thường căn dặn:
Ngày thanh bình cho nó ghé lại Quy Nhơn,
Thăm bà chị có chồng đang ở tại Phước Sơn.

Em yêu quý!
Ở đây không có thời gian để ghi nhật ký,
Mai mốt nếu còn được về...
Anh sẽ kể em nghe
Chuyện Thằng Hùng đánh nổ một chiếc xe
Loại bọc thép tự hành của quân Trung Quốc.
Chuyện thằng Duy một mình đô vật
Với ba thằng giặc, súng tuốt lưỡi lê trần,
Và thằng Nam dụ địch đến gần,
Cho bảy đứa ăn luôn một quả.
Chỉ có chiến công của thằng Khải là hơi khác lạ,
Cởi quần dài cột mấy tù binh.

Em yêu ơi!
Cho anh xin, không kể chiến tích của mình
Để em đừng bao giờ biết
Bàn tay này đã vấy máu chiến chinh.
Anh muốn bàn tay anh,
Chỉ dành riêng để hái hoa hồng
Cài lên mái tóc người yêu nhỏ,
Cho thỏa lòng nhớ mong.

Thôi em ơi!
Đó những vần thơ lính,
Viết cho em giữa một giây yên tĩnh
Chúng anh được ngồi dưới chiến hào, nhấm nháp miếng lương khô,
Cũng có thể lát nữa đây nó sẽ hóa thành mồ,
Chôn chung tiểu đội.
Em yêu ơi, cho anh vạn lời xin lỗi
Vì bức thư tình chỉ nói đến chết chóc, đau thương.

Tha lỗi cho anh,
Bởi đây là gía trị máu xương,
Mong em cũng đừng quên những năm tháng bình yên nơi đó.
Cuộc sống màu xanh và tình yêu màu đỏ,
Có khi là màu trắng nửa em ơi,
Thư hôm nay vắng mất những lời
Tha thiết, ái ân như hồi còn đi học,

Em cứ đọc
Nhưng đừng bao giờ khóc
Hãy để dành cho hạnh phúc mai sau.
Ngày thanh bình khô lệ chúc mừng nhau
Ta mới hiểu đó thật là hạnh phúc.
Cho anh gởi về em muôn vàn câu cầu chúc
Với gia đình, bè bạn, quê hương...
Em hãy thay anh hôn dùm tất cả
Những cánh hoa me vừa rụng xuống sân trường.

Tạm biệt em,
Hẹn ngày trở lại
Dẫu rằng trên những cánh thư sau
Cho anh hôn lên môi người con gái,
Những nụ hôn như cái thuở ban đầu,
Và hãy cười lên này,
Người yêu của...
Anh yêu. 

Phan Hòa



LỜI BÌNH CỦA BẠN phamtrungkien: 

Cái tựa bài thơ đã gợi cho tôi một chút tò mò. Thư tình của lính chắc hẳn phải khác với thư tình của người bình thường? Khác bởi họ là …lính mà!
Với suy nghĩ đó, tôi hồ hởi đọc bài thơ. Càng đọc, tôi càng bị cuốn hút vào dòng chảy cuồn cuộn những cảm xúc vừa bi thương, vừa hào hùng của tác giả.
Dòng đầu tiên vẫn là lời xưng hô như bao lá thư tình khác mà những người yêu nhau vẫn thường viết cho nhau : “Em thân yêu!”
Nhưng sau lời xưng hô thân mật vốn rất quen thuộc ấy, nội dung lá thư lại làm người đọc cảm thấy bất ngờ. Bất ngờ vì những điều tác giả nói với người yêu của mình không phải là những lời yêu đương nồng nàn tha thiết, không phải nỗi nhớ nhung cháy bỏng , không phải những kỷ niệm riêng tư giữa hai người được đem ra nhắc lại. Nội dung của lá thư, trước tiên, tác giả dành để kể về đồng đội của mình: 


Em thân yêu!
Anh viết cho em giữa buổi trời chiều,
Màu nắng ngã dài trên những cành cây trơ trọi.
Tiểu đội anh,
Cái tiểu đội mà em vẫn thường nghe nói,
Rất anh hùng trên điểm chốt biên cương.
Có hai thằng đang bị trọng thương,
Và một đứa đã nằm lại dọc đường lên chốt.
Chúng anh đều đang ở tuổi đời hai mốt,
Thằng Hùng đất Quảng, Vị Xuyên
Thằng Nam cuối miền Thuận Hải,
Thằng Duy Quảng Ngãi,
Thằng Khải Tuy Hòa,
Và chiều nay một chiếc ba lô,
Của thằng Long sẽ được đưa về Đà Nẵng.
Khi còn sống nó thường căn dặn:
Ngày thanh bình cho nó ghé lại Quy Nhơn,
Thăm bà chị có chồng đang ở tại Phước Sơn. 

Bối cảnh khi tác giả viết thư là vào “ giữa buổi trời chiều”, khi mà nắng đã “ngã dài trên những cành cây trơ trọi”. Hình ảnh “những cành cây trơ trọi” giúp người đọc hình dung ra một khung cảnh hoang tàn, đổ nát sau một cuộc ác chiến vừa diễn ra. Cái tiểu đội anh hùng của tác giả vừa trải qua một trận chiến đấu ác liệt với quân thù họ và cũng phải chịu tổn thất đau lòng: 

Có hai thằng đang bị trọng thương,
Và một đứa đã nằm lại dọc đường lên chốt.

Và chiều nay một chiếc ba lô,
Của thằng Long sẽ được đưa về Đà Nẵng…. 

Những người bạn, người đồng chí, đồng đội của tác giả đã ngã xuống trong trận đánh vừa rồi. Họ, mỗi người một quê nhưng đã từng sống, chiến đấu cùng nhau trong một tiểu đội. Họ đã từng yêu thương, gắn bó với nhau hơn cả anh em ruột thịt trong nhà. Thế mà vừa mới đây thôi, nhiều người trong số họ đã ngã xuống ngay trước mắt tác giả.Họ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ : “Chúng anh đều đang ở tuổi đời hai mốt,”
Tuổi 21 là lứa tuổi tươi đẹp nhất của đời người với biết bao hoài bão, ước mơ, hy vọng. Thế nhưng tất cả với họ đã ngừng lại, họ đã ra đi, đã ngã xuống vì Tổ Quốc thân yêu.
Họ ngã xuống sau khi đã lập được những chiến công hiển hách: 


Em yêu quý!
Ở đây không có thời gian để ghi nhật ký,
Mai mốt nếu còn được về...
Anh sẽ kể em nghe
Chuyện Thằng Hùng đánh nổ một chiếc xe
Loại bọc thép tự hành của quân Trung Quốc.
Chuyện thằng Duy một mình đô vật
Với ba thằng giặc, súng tuốt lưỡi lê trần,
Và thằng Nam dụ địch đến gần,
Cho bảy đứa ăn luôn một quả.
Chỉ có chiến công của thằng Khải là hơi khác lạ,
Cởi quần dài cột mấy tù binh.
 


Tác giả kể về những chiến công của tiểu đội với giọng thật tự hào và trân trọng. Qua đoạn thơ, hình ảnh người lính hiện lên thật giản dị nhưng cũng thật oai hùng. Bằng lòng yêu nước, ý chí quật cường, họ đã chiến đấu với kẻ thù có vũ khí mạnh hơn mình nhiều và đã lập chiến công thật là vẻ vang. Trong chiến công chung của tiểu đội, có chiến công của tác giả. Thế nhưng: 

Em yêu ơi!
Cho anh xin, không kể chiến tích của mình
 

Tác giả đã không kể về chiến tích của mình. Vì sao? 

Để em đừng bao giờ biết
Bàn tay này đã vấy máu chiến chinh.
Anh muốn bàn tay anh,
Chỉ dành riêng để hái hoa hồng
Cài lên mái tóc người yêu nhỏ,
Cho thỏa lòng nhớ mong.


Ôi! Tâm hồn của người lính Việt Nam mới cao đẹp làm sao! Phận nam nhi, khi Tổ Quốc bị lâm nguy, những người trai trẻ đã xếp bút nghiên lên đường cầm súng giết giặc bảo vệ quê hương. Ra trận, là người lính, nhiệm vụ của họ là phải nổ súng tiêu diệt kẻ thù. Thế nhưng trong lòng họ có muốn thế đâu? Họ có muốn xả súng bắn giết ai đâu? Họ cảm thấy đau đớn khi bàn tay mình vấy máu đồng loại, cho dù đó là máu của kẻ thù. Bàn tay của họ chỉ muốn: 
“Chỉ dành riêng để hái hoa hồng
Cài lên mái tóc người yêu nhỏ,”
 


Phải, bàn tay của họ chỉ muốn để đem lại tình yêu, hạnh phúc, chỉ dành để làm những cử chỉ yêu thương chứ ko phải để đi giết chóc. Thế nhưng họ vẫn phải làm cái việc mà họ ko hề muốn.
Thương quá đi thôi, những con người lỡ sinh trong thời chinh chiến. Bi kịch của chiến tranh chính là ở chỗ này đây. Đã là người lương thiện, ai cũng mong có một cuộc sống bình yên trong vòng tay ấm áp của gia đình, trong tình thương yêu của người thân và đồng loại. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: 


Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người sống để yêu nhau… 


Thế nhưng những thế lực bạo tàn không cho con người được sống trong bình yên và hạnh phúc. Chúng đã gây ra chiến tranh để con người phải bắn giết lẫn nhau. Chiến tranh và tình yêu là hai phạm trù hoàn toàn đối lập nhau. Nếu tình yêu là khởi nguồn của sự sống thì chiến tranh lại hủy diệt sự sống. Nếu tình yêu là biểu tượng của lòng nhân ái cao đẹp, của tính người thì chiến tranh là sự bạo tàn và vô nhân tính.
Theo tôi, khổ thơ này chính là điểm nhấn và là chủ đề cơ bản của cả bài thơ. Hình ảnh “hoa hồng” được tác giả sử dụng thật hay và đắt. Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu và hạnh phúc. Trong khung cảnh hoang tàn, đổ nát và tanh nồng mùi máu, hình ảnh hoa hồng hiện lên như một quầng lửa lung linh của lòng nhân ái bao la. Với khổ thơ này, Phan Hòa đả lột tả được một cách đơn sơ nhưng đầy đủ nhất vẻ đẹp tâm hồn của người lính, tâm hồn của con người Việt Nam . Cho dù ngay cả khi phải cầm súng thì trong lòng họ vẫn thực sự căm ghét chiến tranh và luôn chứa chất khát vọng hòa bình.
Tôi chợt nhớ tới một câu trong bài “ Bài ca người lính” của Diệp Minh Tuyền : “ Mặc dù mình rất thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng…”
Con người Việt Nam ta là như thế đấy, luôn hiền hòa như củ sắn , củ khoai, luôn mong muốn được sống trong bình yên, hạnh phúc. Nhưng khi kẻ thù đến xâm lược thì họ sẵn sàng đứng lên chống lại một cách ngoan cường. Mặc dù vậy, trong sâu thẳm tâm hồn họ, vẫn là khát vọng hòa bình và lòng nhân ái thiết tha.
Chúng ta hãy nghe tác giả tâm sự tiếp với người yêu: 

Thôi em ơi!
Đó những vần thơ lính,
Viết cho em giữa một giây yên tĩnh
Chúng anh được ngồi dưới chiến hào, nhấm nháp miếng lương khô,
Cũng có thể lát nữa đây nó sẽ hóa thành mồ,
Chôn chung tiểu đội
.


Chàng trai viết thư cho người yêu trong khoảng trống giữa hai trận đánh. Cái phút giây yên tĩnh trên chiến trường giữa hai trận đánh mới đáng quý làm sao mà cũng đáng sợ làm sao! Tôi chưa từng đi lính nhưng tôi đã nghe nhiều người am hiểu về chiến trận nói rằng: Phút giậy yên tĩnh giữa hai trận đánh hoàn toàn không hề là những phút giây bình an, thư thái mà là những phút giây cực kỳ nặng nề và căng thẳng. Bởi sự im lặng trong khoảnh khắc đó là để báo trước một trận đánh mới diễn ra ác liệt hơn nhiều. Đó là sự im lặng bị bao trùm lên bởi sự nguy hiểm, chết chóc ko lường trước được. Thế nhưng, chính trong phút giây nặng nề đến ngột ngạt ấy, những người lính vẫn hết sức bình tĩnh “ngồi dưới chiến hào, nhấm nháp miếng lương khô” như chẳng có chuyện gì xảy ra cả mặc dù họ biết rằng: 

Cũng có thể lát nữa đây nó sẽ hóa thành mồ,
Chôn chung tiểu đội.
 


Ôi! Các anh lính trẻ ơi! Sao các anh lại dũng cảm, ngoan cường đến vậy? Các anh biết rằng, chỉ chút nữa thôi, các anh có thể sẽ nằm xuống vĩnh viễn nơi này, thế nhưng các anh vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Có phải các anh không sợ chết? Không, các anh cũng là người, mà lại là những người đang lứa tuổi 20, các anh cũng muốn sống. Đã là con người, không ai lại không sợ chết cả. Thế nhưng các anh sẵn sàng đón nhận cái chết, đón nhận sự hy sinh chỉ vì các anh đã chiến đấu vì niềm tin, vì lý tưởng. Chỉ có vì lý tưởng, người ta mới dám đón nhận cái chết một cách bình thản như vậy. Thật đáng khâm phục biết bao!
Chút nữa đây, có thể người viết lá thư này cũng sẽ hy sinh. Nhưng anh không bận tâm đến điều ấy. Lời anh cất lên với người yêu thật ngọt ngào, tha thiết biết bao nhiêu: 

Em yêu ơi, cho anh vạn lời xin lỗi
Vì bức thư tình chỉ nói đến chết chóc, đau thương.
Tha lỗi cho anh,
Bởi đây là gía trị máu xương,
Mong em cũng đừng quên những năm tháng bình yên nơi đó. 

Phải, viết thư cho người yêu, người ta chỉ muốn nói những lời yêu thương nồng cháy chứ có ai muốn nói đến chết chóc bao giờ. Nhưng tác giả vẫn phải nói bởi tác giả muốn người yêu mình hiểu được rằng: Để có những năm tháng bình yên nơi quê nhà, bao máu xương đã đổ xuống nơi vùng biên cương của Tổ Quốc. 
Cuộc sống màu xanh và tình yêu màu đỏ,
Có khi là màu trắng nữa em ơi,
 

Màu xanh tượng trưng cho sự sống, màu đỏ tượng trưng cho tình yêu. Thế nhưng tình yêu có khi phải mang màu trắng nữa. Bằng hình ảnh ẩn dụ, tác giả đã diễn tả được những điều mình muốn nói một cách thật sâu sắc. Màu trắng chính là màu của tang tóc, đau thương khi mà chiến tranh đã hủy diệt tình yêu, khi mà những trái tim yêu nóng bỏng của lứa tuổi hai mươi đã ra đi khi tuổi đời đẹp nhất. Bao người mẹ, người vợ, người con đã phải mang trên đầu mình vành khăn tang trắng khi người thân của họ ngã xuống giữa chiến trường. Thế đấy, sự bình yên của chúng ta luôn được đổi bằng máu, đúng như Tố Hữu đã nói : “Ai tính được giá một ngày xuân đẹp…” 

Thư hôm nay vắng mất những lời
Tha thiết, ái ân như hồi còn đi học, 

Âm điệu câu thơ như chùng xuống. Đọc hai câu này, lòng tôi cảm thấy rưng rưng…. Thương quá đi thôi, bi kịch của con người. Những anh chàng thư sinh với một cái đầu đầy hoài bão, ước mơ và một trái tim tràn đầy nhiệt huyết. Thế mà các anh đã bị chiến tranh cuốn vào guồng máy của nó với tất cả sự bạo tàn để rồi lá thư tình gửi cho người yêu cũng dính đầy mùi thuốc súng.
Thế nhưng, đọc khổ thơ tiếp theo, lòng tôi lại cảm thấy thư thái, trấn tĩnh hơn nhiều: 


Em cứ đọc
Nhưng đừng bao giờ khóc
Hãy để dành cho hạnh phúc mai sau.
Ngày thanh bình khô lệ chúc mừng nhau
Ta mới hiểu đó thật là hạnh phúc.
Cho anh gởi về em muôn vàn câu cầu chúc
Với gia đình, bè bạn, quê hương...
Em hãy thay anh hôn dùm tất cả
Những cánh hoa me vừa rụng xuống sân trường.
 


Đây mới chính là bản chất của người lính Cụ Hồ, luôn yêu đời, lạc quan dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Sau khi kể cho người yêu nghe những gì mình và đồng đội vừa trải qua, chàng trai đã động viên, an ủi người yêu mình và khích lệ cô tin tưởng vào ngày thắng lợi, vào ngày mai tươi sáng với một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Hình ảnh : “Em hãy thay anh hôn dùm tất cả. Những cánh hoa me vừa rụng xuống sân trường” thật lãng mạn và đáng yêu vô cùng. Cái chủ nghĩa lãng mạn cách mạng đã thực sự ngấm sâu trong máu thịt của người lính giúp họ có một cái nhìn rất tích cực với cuộc sống xung quanh. 

Tạm biệt em,
Hẹn ngày trở lại
Dẫu rằng trên những cánh thư sau
Cho anh hôn lên môi người con gái,
Những nụ hôn như cái thuở ban đầu,
Và hãy cười lên này,
Người yêu của...
Anh yêu!
 


Khổ cuối khép lại như một lời hẹn ước của tình yêu thắm nồng và chung thủy. Dù đang cận kề với cái chết, người lính vẫn tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng và hạnh phúc. Chính niềm tin, lòng lạc quan yêu đời, sự xác định rõ mục dích chiến đấu của mình là vũ khí mạnh nhất giúp người lính luôn chiến thắng kẻ thù.
Trong cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược của chúng ta, không ít lứa đôi đã tạm biệt nhau, cầm súng lên đường và có người đã không trở về, nhưng niềm tin về hạnh phúc, về tình yêu thì mỗi con người đã giữ trong mình trọn vẹn.
Nhìn lại toàn bộ bài thơ, ta thấy tác giả đã dùng lối tự sự với tứ thơ nhất quán, mượn cớ viết thư cho người yêu để chuyển tải nhửng cảm xúc của mình làm cho tư tưởng chủ đề của bài thơ hiện lên rất rõ.
Cách nhìn của người lính trong BỨC THƯ TÌNH CỦA LÍNH không chỉ đơn giản là cách nhìn của một cá nhân mà nó còn đại diện cho tinh hoa và khí phách , phẩm chất và ý chí của toàn dân tộc ta. Bài thơ đã phản ánh được tâm hồn cao đẹp của người chiến sĩ trong hoàn cảnh chiến trường khốc liệt. Đó là những con người có lòng yêu nước bao la, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc đồng thời trong lồng ngực họ luôn chứa đựng một trái tim thiết tha yêu hòa bình, lòng nhân ái, vị tha…
Theo tôi, bài BỨC THƯ TÌNH CỦA LÍNH của Phan Hòa là một bài thơ vừa mang đậm tính sử thi vừa tràn đầy cảm hứng lãng mạn. Nó như một khúc ca bi thương nhưng tráng lệ mà nhân vật trong đó chính là những con người hết sức bình dị hiền lành nhưng cũng vô cùng kiên cường, dũng mãnh. Bài thơ vừa mang tính hiện thực vừa mang tính lãng mạn rất cao. Đây thực sự là một bài thơ có giá trị cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Nó bao hàm tính cách mạng và tính nhân văn sâu sắc.
Phan Hòa ơi! Tôi yêu tâm hồn những người lính như bạn, tôi yêu những bài thơ bi hùng của bạn. Cám ơn bạn đã đem đến cho đời những đóa hoa thơ bình dị mà luôn tỏa ngát hương.
Tôi xin gửi tặng những bông hoa đẹp này đến các chiến sỹ vô cùng thương mến của chúng ta! 


26-1-2011
phamtrungkien 

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

XIN NGƯỜI GHÉ LẠI... và lời bình của Phạm Trung Kiên


Em có về, xin ghé lại nhà anh,
Thăm mái lá vẫn đêm ngày chờ đợi.
Mẹ viết thư hỏi anh: Sao lâu rồi em không tới,
Lần đầu tiên anh dối Mẹ, rằng: em bận việc gia đình.

Em có về, hãy mặc áo thư sinh.
Màu áo trắng như trong hình kỷ niệm
Mẹ sẽ nhận ra em với làn môi chúm chím,
Đôi mắt hay cười... và mái tóc dài bay.

Nhưng hãy vì anh, xin em dối Mẹ điều này
Điều mà anh đã nhận được, bằng tấm thiệp giữa chiều biên giới.
Mẹ chỉ biết, lâu rồi em không tới,
Vì em buồn trong chuyện vắng xa anh...

Hè năm này, công việc ở trường xong,
Em thu xếp và xin chồng ít bữa.
Sợ mai mốt, anh không về được nữa
Mẹ sẽ buồn, vì hai đứa vẫn còn xa.

Nếu có về, em hãy ghé qua,
Bảy ngày phép, anh nhờ em chút nhé,
Một buổi làm cơm rồi ta cùng ăn với Mẹ,
Cho Người vui trọn vẹn cuối cuộc đời.

Nhớ có về... xin ghé lại em ơi... 


Phan Hòa 

... VÀ LỜI BÌNH CỦA phamtrungkienhttp: 

Lạc vào vườn thơ của Phan Hòa, tôi như lạc vào cả miền ký ức thấm đẫm tình yêu và nước mắt. Anh đã có một tình yêu đẹp nhưng thật buồn bởi chiến tranh như một lưỡi dao khắc nghiệt đã lạnh lùng cắt nát đóa hoa tình yêu, chia lìa đôi lứa.
Cái ký ức đẹp nhưng đau đớn của phanhoacan được thể hiện trong rất nhiều bài thơ tình của anh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến bài XIN NGƯỜI GHÉ LẠI...
Cả bài thơ như một dòng chảy của những tâm trạng, cảm xúc của chàng trai với mong ước hết sức tha thiết, giản dị và chân thành : “Em có về, xin ghé lại nhà anh”.
Điều mong ước đơn giản thế nhưng với anh là tất cả bởi giờ đây anh và cô không còn đi chung một con đường, không cùng nhìn chung về một hướng nữa. Cô đã đi lấy chồng!
Câu thơ thứ hai đã nói hộ thêm anh về nỗi niềm của anh và nghịch lý của việc nôn nóng ấy:
"Thăm mái lá vẫn đêm ngày chờ đợi.” 
Nói “mái lá” nhưng là nói đến con người. Hình ảnh nhân hóa gợi lên tâm trạng đau đáu, thấp thỏm vì mong nhớ của người mẹ già. Mẹ mong nhìn thấy hình dáng của cô thôn nữ yêu kiều, hiền dịu mà mẹ đã coi là con dâu của mình.Trước đây cô thường lui tới thay anh chăm sóc mẹ, sao dạo này lâu rồi chẳng thấy cô đâu? Luôn mong ngóng, đợi chờ, xen chút thắc mắc, mẹ đã viết thư hỏi về cô gái.
Không muốn làm mẹ buồn, không muốn mẹ thất vọng, chàng trai đã phải nói dối mẹ, mặc dù truớc đây, anh chưa bao giờ biết nói dối: 


Mẹ viết thư hỏi anh: Sao lâu rồi em không tới,
Lần đầu tiên anh dối Mẹ, rằng: em bận việc gia đình.
 


Tứ thơ mở ra theo nhiều cảm xúc gợi nhắc đến những kỷ niệm của một thời hai đứa yêu nhau. Còn gì nữa đâu? Tất cả giờ đây chỉ còn là kỷ niệm. Hình ảnh của người con gái hiền diụ hiện ra với màu áo trằng tinh khôi thuở học trò, với mái tóc dài bay bay trong gió, đặc biệt với nụ cười chúm chím xinh tươi thật gợi cảm biết bao. Hình ảnh ấy làm sống dậy trong lòng chàng trai những kỷ niệm đẹp về hương vị ngọt ngào, ngây thơ, trong trắng của mối tình đầu:

Em có về, hãy mặc áo thư sinh.
Màu áo trắng như trong hình kỷ niệm
Mẹ sẽ nhận ra em với làn môi chúm chím,
Đôi mắt hay cười... và mái tóc dài bay. 


Nhưng đây không phải là lúc anh nhớ về cô để tận hưởng cảm giác êm đềm, lãng mạn của tình yêu mà là để cầu xin cô giúp anh một điều. Anh xin cô hãy vì anh mà một lần nói dối Mẹ. Mẹ vẫn chưa biết là cô đã đi lấy chồng. Chưa biết người con dâu mình từng mong đợi giờ đã là con người ta. Chưa biết đứa con trai phương xa của mình đã mất đi mối tình đầu tha thiết nhất. Nếu biết được điều ấy, trái tim người mẹ sẽ đau đớn chừng nào?Mẹ có chịu đựng nổi không?
Thương mẹ, anh nài nỉ cô:


Nhưng hãy vì anh, xin em dối Mẹ điều này
Điều mà anh đã nhận được, bằng tấm thiệp giữa chiều biên giới.
Mẹ chỉ biết, lâu rồi em không tới,
Vì em buồn trong chuyện vắng xa anh.


Hình ảnh tấm thiệp cưới hiện lên có một cái gì đó thật bất nhẫn. Thiệp hồng tượng trưng cho niềm vui, cho hạnh phúc. Nhưng tấm thiệp mà người lính nhận được trong một chiều ở biên giới là tấm thiệp của đau thương, mất mát, ly tan. Chắc hẳn khi nhận được tấm thiệp ấy, anh đã chết lặng người đi trong tâm trạng đau đớn đến tột cùng. Nhưng anh đã nuốt lệ vào lòng, đã nén chặt nỗi đau thương mất mát vào tim, đã dấu đi sự thật bẽ bàng để người mẹ già của mình không phải buồn đau.
Ta hãy nghe anh nói tiếp: 


Hè năm này, công việc ở trường xong,
Em thu xếp và xin chồng ít bữa.
Sợ mai mốt, anh không về được nữa
Mẹ sẽ buồn, vì hai đứa vẫn còn xa. 


Ôi! Điều mong ước của anh giản dị mà sao tha thiết quá! Anh mong mỏi khi mùa hè tới, khi em đã xong công việc ở trường và thu xếp chuyện gia đình (kể cả chuyện xin phép chông), em hãy dành thời gian để ghé thăm mẹ anh, để mẹ không nên biết những gì phũ phàng đã xảy đến.
Khi cô gái đã có chồng, xin phép chồng về thăm gia đình người yêu cũ có lẽ là hơi khó. Nhưng có khó gì đâu khi anh đã nói ra lý do rất thực tế : “Sợ mai mốt, anh không về được nữa”. Hình như có cái gì đó vừa vỡ ra trong anh. Hình như anh lo sợ có thể anh sẽ không còn dịp nào gặp lại cô gái được nữa, không gặp được mẹ nữa. Bởi bất kỳ lúc nào anh cũng có thể ngã xuống bằng một viên đạn của kẻ thù. Như vậy mẹ sẽ rất buồn vì chưa được nhìn lại cảnh con trai hạnh phúc nên người mình yêu. Tấm lòng của anh dành cho mẹ mới chân thành, sâu sắc biết bao nhiêu. Tình cảm ấy sâu đậm đến nỗi khi đọc xong câu thơ rồi, dư âm của nó còn lắng đọng mãi trong lòng người đọc khiến ta cảm thấy nhói buốt ở trong tim.
Thấp thoáng đâu đây câu ca dao của dân gian: 

Mẹ già ở túp lều tranh
Sớm thăm, tối viếng mới đành dạ con 

Tấm lòng của anh là thế. Dù ở cách xa mẹ nhưng suy nghĩ của anh lúc nào cũng thường trực ở bên mẹ. Vì trách nhiệm của người trai thời chiến, anh cầm súng lên đường giết giặc để bảo vệ quê hương, nhưng lúc nào anh cũng cảm thấy thương mẹ và ray rứt vì mình đã không ở gần để giúp đỡ mẹ, an ủi mẹ trong lúc mẹ tuổi già xế bóng.
Khổ thơ cuối nói tiếp lên mong ước của anh: 


Nếu có về, em hãy ghé qua,
Bảy ngày phép, anh nhờ em chút nhé,
Một buổi làm cơm rồi ta cùng ăn với Mẹ,
Cho Người vui trọn vẹn cuối cuộc đời. 


Anh nhờ cô gái nếu ghé qua thì cứ làm như không có chuyện gì cả. Đôi trai gái sẽ vẫn nói cười vui vẻ, vẫn cùng nhau vào bếp nấu cơm như những lần nào. Rồi cả nhà sẽ cùng quây quần bên mâm cơm, cùng ăn với nhau một bữa cơm giản dị nhưng vô cùng vui vẻ, ấm cúng, êm đềm. Và như thế, ở chặng đường cuối của cuộc đời, người mẹ được sống trong niềm vui, trong hạnh phúc. Cái hình ảnh gia đình đầm ấm ấy làm bừng lên ngọn lửa yêu thương luôn chất chứa trong trái tim người mẹ.
Đọc khổ thơ này, mắt tôi tự nhiên cứ cay cay. Dù tôi là một người đàn ông trải đời và cũng có nhiếu cay đắng. Nhưng sao đọc lời thơ của Phanhoacan, lòng tôi bỗng chùng xuống và trái tim cứ nhói đau. 


Nhớ có về... xin ghé lại em ơi... 

Câu thơ cuối không chỉ là " nhờ" đơn thuần mà thực sự là một lời van xin. Lời van xin này tha thiết quá. Nó như một điệp khúc nhắc lại điều mong ước và cũng là nỗi niềm cháy bỏng của chàng trai. Nếu là việc của bản thân anh thì chắc có lẽ không bao giờ anh cất lời nài nỉ van xin đến khắc khoải như vậy. Nhưng vì Mẹ, anh đã làm tất cả. Lời anh nói với người yêu cũ thật nhẹ nhàng, đằm thắm mà sao nó cứ làm ta xa xót, nao nao…
Cả bài thơ là một lời khẩn cầu vang lên tha thiết đến cháy lòng. Trước lời khẩn cầu như vậy, chắc hẳn cô gái sẽ không lòng nào nỡ chối từ. Và tôi tin, dù có khó tính đến đâu thì khi biết được tâm trạng của chàng trai, chồng cô gái vẫn sẽ sẵn lòng để cô làm giúp cái việc mà người yêu cũ của cô gái đã nhờ.
Bài thơ như một bản tình ca thật buồn nhưng đẹp. Dù nó có làm ta đau đớn vì sự thật quá phũ phàng thì đống thời nó cũng làm ta cảm thấy ấm lòng vì yêu quý, vì ngường mộ tấm chân tình sâu nặng của một người con dành cho mẹ mình. Không những thế, qua bài thơ, ta còn thấy được tình yêu của người lính thật là đẹp. Anh đã yêu bằng cả trái tim mình, yêu bằng mối tình đầu của mình. Cô gái với anh là tất cả. Thế nhưng ngay cả khi cô không chờ đợi anh mà bỏ đi lấy chồng, anh vẫn không hề oán giận cô. Anh vẫn dành cho cô những tình cảm chân tình, nồng ấm, bao dung. Không lấy được nhau, anh coi cô như người bạn, người em gái. Tình cảm của anh, ngôi nhà của anh vẫn sẵn lòng mở rộng chào đón cô bất cứ lúc nào với tư cách là một người thân trở về thăm lại nhà mình.
Bài thơ không chỉ cho chúng ta cảm nhận được một câu chuyện rất bình thường nhưng cảm động thời chinh chiến mà qua đó nó còn khắc họa chân dung thật đẹp về nguời lính Cụ Hồ. Với Tổ Quốc, anh là người lính dũng cảm,trung kiên. Với mẹ già, anh là đứa con hiếu thảo, ngoan hiền. Với người yêu, anh là chàng trai nồng nàn, nhân từ, rộng lượng, bao dung…
Con đường đến với trái tim là đi từ trái tim. Thơ Phanhoacan đã nói dùm chúng ta điều ấy và đã để lại trong ta những dư vị thật khó phôi pha.
Phan hòa! Cám ơn bạn đã đem đến cho độc giả một bài thơ hay và thấm đẫm tình người! 


16-11-2010
phamtrungkien
 


Hoa này phamtrungkien xin trân trọng tặng phanhoacan - một thi sĩ người lính mà tôi hân hạnh gặp được trong vnthidan và đồng cảm với thơ anh . 

Nguồn: http://vi.netlog.com/go/out/url=http%3A%2F%2Fwww.vnthidan.net%2Fxin-nguoi-ghe-lai-mot-bai-tho-lam-lay-dong-long-nguoi-t3321.html

CHIẾC GAI...


Em vô tình, hay cố ý giẫm vào chiếc gai? 
Có đau không? Sao lòng ta rỉ máu... 
Đôi mắt thẩn thờ, ta nhìn em đau đáu. 
Người đàn ông chai sạn trong ta đâu rồi...? 
Sao lại buồn vì một chiếc gai? 
Em nói: em không đau, sao lòng ta quặn thắt. 
Ta đau giùm em, cái đau người khác. 
Bởi dấu chân nhầm, bước lạc vào gai. 
Ta sợ người cười, ta sợ họ chê bai. 
Còn em không nghĩ thế! 
Ta đau và ta sợ. 
Sợ một ngày, trên lối mòn xưa, dù đã có hoa, có bướm. 
Nhưng những chiếc gai vô hình vẫn chờ đâu đó... 
Chân ta giẫm phải 
Ai là người sẽ khóc cho ta...? 
Ai là người để nhổ chiếc gai ra...? 
Chỉ một mình ta 
Đau thêm lần nữa...! 

Phan Hòa



Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

NHỚ MÙI HƯƠNG BƯỞI

 Bây giờ sắp Tết phải không em? 
 Mỗi đứa ta chờ một tuổi thêm 
 Em khóc khi chiều nghiêng xế bóng 
 Anh buồn chôn giấu mộng vào tim. 

 Mấy mươi năm trước vẫn mùa Xuân 
 Nón trắng qua sân bước ngập ngừng 
 Thèn thẹn hoa đào môi nở nụ 
 Láng giềng làm bạn với người dưng. 

 Nhớ đêm hát bội sân Đình lắm! 
 Trống giục, hay mình giục lẫn nhau? 
 Bài học chưa làu, anh xếp vở 
 Em chờ lối nhỏ cổng vườn sau. 

 Đưa tay ta dắt qua bờ giậu 
 Suối tóc nghiêng vào hương bưởi thơm 
 Bước dọc triền đê đường trải gió 
 Hai người ngồi xuống cạnh chòi rơm 

 Em đợi, anh chờ… ai nói trước 
 Lời yêu chưa học biết làm sao? 
 Rụt rè… vạt áo mòn tay nắm 
 Mà chẳng rơi ra được tiếng nào… 

 Ngày rời áo trắng anh vào lính 
 Em tặng thay lời một tập thơ 
 Anh bận hành quân chưa đọc hết 
 Chỉ nghe câu nói: “Đợi anh về…” 

 Mấy mùa Xuân đến… Hạ, Thu, Đông 
 Nỗi nhớ người xa quặn thắt lòng 
 Những lúc đêm về im tiếng súng 
 Anh nhìn sao sáng mắt em trông... 

 Rồi một ngày kia dưới chiến hào 
 Nhận thư em gửi dạ nôn nao 
 Mở ra tấm thiệp ai mời cưới? 
 Lặng lẽ trong anh ắp nghẹn ngào. 

 Em giờ nơi ấy có vui không? 
 Có lúc nào nghe chút chạnh lòng 
 Thôi nhé, tơ duyên trời định sẵn 
 Mấy ai chọn được ý mình mong…?! 

 Năm nay hát bội ở sân Đình 
 Anh vẫn đi xem chỉ một mình 
 Qua giậu nhà ai hương bưởi thoảng 
 Ngỡ còn đâu đó tóc em thơm… 

 Phan Hòa



MẸ VÀ EM...

Ngày ấy em về với Mẹ và anh 
Bát canh cần thay rau lang luộc 
Trời còn thương Nàng Bân, nên trời giá buốt 
Bếp than hồng, con cá nướng ấm vào nhau.

Em cười với Mẹ: "Con thích nhất mấy vồng rau..." 
Thương chiếc lưng còng, khom bên luống cải 
Những lá rau non vẫn chờ ngày em trở lại 
Như đời chiều, Mẹ chờ gọi tiếng "con dâu" 

Em bây giờ... dù đang ở nơi đâu? 
Sẽ hạnh phúc vì có thêm người Mẹ 
Đừng chạnh lòng những chiều sương tím nhé! 
Để tóc Người không bạc... tháng năm phai... 

Chút nắng chiều quê nghiêng bóng Mẹ ngả dài 
Nghe thương lắm những đọt rau còn in dấu tay em hái 
Cái nhớ chợt về trong anh tê tái 
Bếp than tàn... đĩa rau nguội... cũng buồn hiu.

Hà Nội chiều nay gom những dấu yêu 
Lên chuyến tàu đêm dọc miền xứ sở 
Nơi Sài gòn vẫn miên man niềm nhớ 
Anh xin làm chiếc cầu - gồng hai nỗi nhớ: Mẹ và em... 

Phan Hòa



GỬI ẤM CHO EM

Nghe đài báo đang vào mùa rét đậm 
Thương Hà Nội em, khăn ấm quấn vai tròn 
Đường Cổ Ngư xưa còn in dấu chân son 
Nhưng tê buốt suốt hai đầu nỗi nhớ! 

Khi lạnh cóng, hoa đào không kịp nở 
Anh sợ môi em phai nhạt nét tươi hồng 
Sợ mắt buồn gờn gợn buổi chiều Đông 
Nên muốn gửi chút ấm nồng cho em lắm. 

Gửi hạt nắng miền Trung trên môi em mộng thắm 
Gửi biển Quy Nhơn về cho đôi mắt em xanh 
Gửi cả khung trời đang dệt áo thiên thanh 
Em hãy mặc... có làn hơi anh ấm áp 

Để ngăn đợt gió mùa se da ran rát 
Anh gửi em liền mấy nhánh dãy Trường Sơn 
Gửi cánh chim bay qua phố chập chờn 
Hết đợt trú Đông vừa quay về lại 

Thương em lắm, bây giờ nghe rét hại 
Đang tràn vào nơi miền Bắc quê em 
Anh bần thần thao thức đến thâu đêm 
Muốn gửi cả vòng tay ôm choàng cho em ngủ. 

Hôn môi thơm khi hoa đào hé nụ 
Rưới nắng vàng trên từng bước em đi 
Tết râm rang qua gõ cửa xuân thì 
Cho dáng ngọc thướt tha mùa trẩy hội 

Mong chút ấm mau về vương trên mái ngói 
Có anh theo gót nắng đến sân Đình 
Áo dài the bên yếm lụa xinh xinh 
Ta cùng hát bài thơ tình em nhé! 

Phan Hòa



HÀ NỘI và EM

Em đang ở nơi đâu? Giữa chiều Hà Nội. 
Ngắm cảnh Hồ Gươm? hay hóng gió sông Hồng? 
Cho anh gửi nụ hôn vào dáng liễu, 
Để tóc em dài, Xỏa mượt một triền sông... 

Em có về thăm lại phố xưa không? 
Cái ngõ nhỏ ngày xưa, trường mình sơ tán. 
Hai đứa trẻ, 
Chui xuống hầm tránh đạn, 
Hổn hểnh cùng nhau... nhưng không phải là yêu. 

Có phải em đang tha thướt trong chiều? 
Cầu Thê Húc, lụa Hà Đông soi bóng 
Em còn nhớ , 
Những đêm, mùa trăng sáng: 
Chơi trốn tìm... mình vẫn trốn cùng nhau... 

Rồi thời gian, 
Vụt bóng vó câu... 
Em càng lớn, càng xinh như trăng muời sáu 
Anh lên đường... 
Chí trai hờn căm nung nấu, 
Gửi lại em... 
Hà Nội của riêng em... 

Để hôm nay, Hà Nội Một nghìn năm! 
Anh, một nghìn lần yêu em... như thế! 
Hà Nội trong anh vẫn vuông tròn nỗi nhớ, 
Bởi anh còn Hà Nội 
Ở trong em... 

Phan Hòa



THÁNG BA VỀ…

Tháng Ba về chưa dứt bỗng nghiêng mưa 
Cơn bão đi qua ngập ngừng chi ghé lại? 
Thổi tung nóc đống rơm vàng không đậy mái 
Con vịt bầu lạc bầy ngơ ngác gọi quanh sân 

Tháng Ba về thêm một chút bâng khuâng 
Anh chưa kịp viết bài thơ như đã hẹn 
Nên vào mạng chỉ nhẹ nhàng rón rén 
Không dám để đèn – cài chữ bận mà thôi… 

Tháng Ba về hay đã xa xôi…? 
Vài con bướm đi tìm hoa phượng nở 
Vẫn trong anh những ngày xưa chợt nhớ 
Sợ Hè về trang lưu bút sẽ dày thêm 

Tháng Ba về xào xạc gió nồm đêm 
Hoa cau rụng trắng vườn rau Mẹ tưới 
Em mơ mải săm soi tà áo mới 
Để anh nhìn trắng lóa bóng người qua 

Tháng Ba về, con ong đi lấy mật tận rừng xa 
Anh ủ cuộc đời lên men thành rượu 
Khi uống cạn niềm say hiện hữu 
Chợt thấy mình về lại tuổi đôi mươi… 

Tháng Ba về ngào ngạt nhớ thương ơi 
Ai đến, ai đi? mà lòng anh chai sạn 
Trang thơ hỡi, ta với em là bạn 
Lăn lóc nửa đời, chung thủy chỉ còn thơ… 

11.03.2012 âm lịch 
Phan Hòa



Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

THÁNG GIÊNG VÀ NỖI NHỚ PHƯƠNG NAM

 Tháng Giêng ơi, nỗi nhớ về đâu? 
 Từng hạt nắng Xuân rắc mềm da thịt 
 Ngóng phương Nam thương xa mờ mịt, 
 Những chiều xưa... quán nhỏ đợi chờ. 

 Nỗi nhớ cứa lòng cắt những vần thơ 
 Em cứa trong anh niềm đau êm dịu, 
 Một sợi tình nối đôi bờ dang díu 
 Để hai đầu ta giữ níu vào nhau. 

 Xa cách bây giờ... Nhưng có vạn ngày sau 
 Anh vẫn đợi những hạt nắng phương Nam em gửi đến, 
 Sưởi mối se lạnh cho Miền Trung thương mến 
 Ấm... thêm tình chút nữa để mà yêu... 

 Thương nhớ Tháng Giêng chìm giữa màu chiều 
 Những làn gió xa quây lưng chừng núi 
 Như vòng tay anh vẫn luồn cho em gối 
 Để bây giờ, nghe hương tóc ai thơm...?

 Để bây giờ... nghe day dứt thâu đêm 
 Biết nơi ấy có một người đang thức 
 Đọng trong ta là tình yêu rất thực 
 Nên vẫn chờ và thương lắm nhé, phương Nam!... 

 Phan Hòa


XUÂN ĐƯỜNG

XUÂN XƯA... 
Xuân xưa, xuân xửa, mấy lần xuân 
Rượu uống thơ say giữa núi rừng. 
Đốt nứa tạch đùng, vui pháo tết 
Cạo nồi sồn sột, viết thơ xuân, 
Kìa hoa vàng rực chùm mai núi 
Nọ lá xanh rờn chiếc bánh chưng. 
Xin gởi thi nhân lời chúc sớm 
Sợ mai dã ngoại, bận hành quân. ... 
















...VÀ XUÂN NAY 
Đời lính, hôm nay đã hết rồi 
Về miền phố thị sống ai ơi! 
Ba lô lộn ngược: cà, dưa muối... 
Mũ cối lật vành: gạo, nếp, xôi... 
Sáng mở cửa ra, chào "Thượng Đế" 
Đêm về úp mặt, tủi "Thằng Tôi" 
Một thời oanh liệt thành câu hát 
Vang mãi trong lòng... vang mãi thôi. 

Phan Hòa